Bài viết này sẽ tập trung vào việc giải đáp câu hỏi quan trọng khi nào thì phải gia hạn sử dụng đất. Việc này liên quan đến nhiều khía cạnh pháp lý và quy định, và bài viết sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về quy trình, điều kiện, và lợi ích của việc gia hạn sử dụng đất.
MỤC LỤC
Thời hạn sử dụng đất được quy định như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những nguyên tắc sử dụng đất mà người sử dụng đất phải thực hiện là sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định của pháp luật đất đai thì thời hạn sử dụng đất được nhà nước quy định bằng hai hình thức là sử dụng đất ổn định lâu dài và sử dụng đất có thời hạn. Thời hạn sử dụng đất là một trong những căn cứ để xác định việc sử dụng đất của người sử dụng đất là hợp pháp.
– Đối với đất sử dụng ổn định lâu dài sẽ được nhà nước công nhận trong các trường hợp sau:
Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng, gồm cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc.
Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
Đất xây dựng trụ sở cơ quan (cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội); đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính (bao gồm các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.
Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Đất cơ sở tôn giáo (gồm đất thuộc chùa, nhà thời, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động).
Đất tín ngưỡng.
Đất giao thông, thủy lợi, đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh.
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.
Đất tổ chức kinh tế sử dụng theo các quy định của pháp luật.
– Đất sử dụng có thời hạn được áp dụng đối với việc giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định thì thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân cũng được áp dụng là không quá 50 năm. Đối với các trường hợp khác sẽ theo thời hạn quy định tại Điều 126 của Luật Đất đai năm 2013 và nguyên tắc khi hết thời hạn sử dụng đất thì người sử dụng đất nếu muốn tiếp tục sử dụng đất thì phải làm thủ tục gia hạn sử dụng đất.
Khi nào thì phải gia hạn sử dụng đất?
Việc gia hạn sử dụng đất như đã trao đổi ở trên thì sẽ áp dụng đối với đất sử dụng có thời hạn khi hết thời hạn sử dụng mà người sử dụng đất có nhu cầu thì sẽ làm thủ tục gia hạn sử dụng đất để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đồng ý có cho việc tiếp tục gia hạn sử dụng đất hay là không với người sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai có quy định các trường hợp sau khi có nhu cầu gia hạn sử dụng đất sẽ chuẩn bị hồ sơ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin gia hạn sử dụng đất:
– Tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài khu công nghiệp cao, khu kinh tế.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất và có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận.
Các trường hợp trên thì trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu 06 tháng, người sử dụng đất nếu có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì sẽ phải làm thủ tục gia hạn sử dụng đất.
– Còn riêng đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn của quy định pháp luật đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
Hồ sơ và trình tự gia hạn sử dụng đất
Hồ sơ gia hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu số 09/ĐK được ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT và công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
– Bản sao Quyết định đầu tư bổ sung hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư có thể hiện thời hạn hoặc điều chỉnh thời hạn thực hiện dự án đầu tư phù hợp thời gian xin gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp tổ chức trong nước đang sử dụng đất để thực hiện hoạt động đầu tư trên đất nhưng không thuộc trường hợp có Quyết định đầu tư bổ sung hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thể hiện cụ thể lý do đề nghị gia hạn sử dụng đất tại điểm 4 của Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Cuối cùng là chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có).
Trình tự xin gia hạn sử dụng đất sẽ được thực hiện qua các bước sau:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị hồ sơ gia hạn sử dụng đất như đã trao đổi ở trên.
– Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp đầy đủ hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn.
– Bước 3: Cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ
Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất, nếu người sử dụng đất đủ điều kiện gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Sau đó trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định gia hạn quyền sử dụng đất.
– Bước 4: Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp làm các thủ tục cập nhập, điều chỉnh biến động và hồ sơ địa chính, cơ sở dự liệu đất đai.
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trực tiếp trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất được cấp hoặc thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã để trao Giấy chứng nhận nếu trước đó người sử dụng đất có nộp hồ sơ gia hạn tại UBND cấp xã.
– Lưu ý: Với các trường hợp không đủ điều kiện gia hạn sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người sử dụng đất về lý do và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Đối với trường hợp đủ điều kiện gia hạn sử dụng đất nhưng hồ sơ không hợp lệ, đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận phải hướng dẫn người làm thủ tục gia hạn sử dụng đất theo đúng quy định.
Chi tiết liên hệ
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.