Ý nghĩa của từng loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất (ảnh minh họa)
Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất
Hiện nay vấn đề quy hoạch đất đang rất được quan tâm bởi chỉ khi quy hoạch đất chúng ta mới hiểu được tiềm năng của những vùng đất chưa được sử dụng và những vùng đất sử dụng không hợp lý và phân bổ việc sử dụng đất của nước ta hiện nay có hợp lý hay không, từ đó có những giải pháp tiến hành điều chỉnh.
Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Đất đai 2013 như sau:
– Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã;
– Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
– Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
– Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu;
– Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Quy định về bản đồ quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất đó là việc lập kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương cụ thể theo nhu cầu sử dụng và hiện trạng sử dụng đất, phân theo từng mục đích sử dụng và được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. Đất quy hoạch chính là vùng đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất đó. Ví dụ cụ thể như một số quy hoạch đất đai phổ biến như quy hoạch xây dựng khu dân cư, quy hoạch đường sắt, quy hoạch làm đường giao thông…
Quy định về bản đồ quy hoạch sử dụng đất như sau:
Trong Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện sự phân bổ các loại đất tại thời điểm cuối kỳ của quy hoạch đó”.
Mỗi nhiệm vụ quy hoạch sẽ sử dụng một loại bản đồ với tỉ lệ tương ứng hợp với đặc trưng. Chẳng hạn như bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương được thể hiện theo tỉ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 (khoản 2 điều 25 Luật quy hoạch đô thị). Còn đối với bản đồ quy hoạch chung đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã là 1/10.000 hoặc 1/25.000 (khoản 2 điều 26) và đối với thị trấn là 1/5.000 hoặc 1/10.000 (khoản 2, điều 27).
Yếu tố giúp thể hiện nội dung quy hoạch đô thị chính là đồ án quy hoạch. Đồ án đó bao gồm các bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị (theo Khoản 6, Điều 3). Như vậy theo quy định tại đây thì bản đồ là tài liệu buộc phải có trong đề án quy hoạch.
-
Quy hoạch gồm: nhiệm vụ quy hoạch chung, nhiệm vụ quy hoạch phân khu và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.
-
Quy hoạch chung có nhiệm vụ xác định tính chất, vai trò của đô thị, yêu cầu cơ bản cho việc nghiên cứu để khai thác tiềm năng, động lực phát triển, hướng phát triển, mở rộng đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong nội thị và khu vực ngoại thị (theo Điều 23).
-
Quy hoạch phân khu xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu, nguyên tắc cơ bản về phân khu chức năng để bảo đảm phù hợp về không gian kiến trúc, đầu nối hạ tầng kỹ thuật với quy hoạch chung đã được phê duyệt và các khu vực xung quanh.
-
Quy hoạch chi tiết là xác định giới hạn về chỉ tiêu sử dụng đất, dân số; yêu cầu, nguyên tắc về tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và khu vực xung quanh.
Ý nghĩa của từng loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất được đưa ra để hoạch định chính sách, phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo việc sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả và đây cũng là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hay là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí về đất cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất.
Mỗi tỷ lệ bản đồ đều mang những ý nghĩa riêng, gắn liền với nhiệm vụ quy hoạch cụ thể, ví dụ như bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500 ứng với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, cụ thể hóa nội dung quy hoạch phân khu và quy hoạch chung.
Hiện nay, có 3 loại bản đồ quy hoạch thường được nhiều người nhắc đến là bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 và 1/500.
1. Bản đồ tỷ lệ 1/5.000
Bản đồ quy hoạch chung 1/5.000 nhằm xác định các khu vực chức năng, những định hướng tính giao thông, sẽ rõ ràng mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước,…
Như vậy bản đồ 1/5.000 sẽ cung cấp cơ sở gốc để chúng ta xác định được mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân,…
2. Bản đồ tỷ lệ 1/2.000
Bản đồ quy hoạch phân khu 1/2.000 có nhiệm vụ là để phân chia và xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới công trình hạ tầng. Bản đồ quy hoạch này sẽ cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị.
Mục đích của nó là định hướng quy hoạch cho một đô thị nhằm quản lý cho cả một khu vực rộng lớn. Ở bản đồ này chưa xác định được chính xác cụ thể bản thiết kế của công trình.
Như đã nói ở trên quy hoạch phân khu sẽ giúp xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố và đầu nối hạ tầng kỹ thuật chung; xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và đánh giá các môi trường chiến lược. Đồng thời quy hoạch này cũng nhằm xác định vị trí công trình kỹ thuật và ranh giới trên đất.
Đây là quy hoạch liên quan chặt chẽ tới quyền sử dụng đất nên có giá trị pháp lý cao, nó là căn cứ để giải quyết tranh tụng.
3. Bản đồ tỷ lệ 1/500
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 là cụ thể chi tiết mọi công trình trên đất. Về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch 1/500 bố trí đến từng ranh giới lô đất.
Có thể hiểu bản đồ tỷ lệ 1/500 chính là quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình và thực hiện xây dựng.
Như vậy mỗi loại bản đồ không chỉ khác nhau ở tỷ lệ mà còn khác nhau ở nội dung, ý nghĩa và giai đoạn áp dụng. Người xem cần lưu ý để phân biệt giữa chúng.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội